Rss Feed
07:46 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Lừa đảo người quay số trúng thưởng bằng chíp điện tử – xử tội danh nào mới đúng?

Trong năm 2012 và 2013, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã xét xử hai vụ án hình sự mà các bị cáo có hành vi phạm tội lừa đảo người quay số trúng thưởng bằng chíp điện tử . Điều đặc biệt là ở cả hai vụ án, các bị cáo có cùng một hành vi có tính chất và đặc điểm như nhau , nhưng Tòa án lại xử lý về hai tội danh khác nhau. Một vụ xử về tội tổ chức đánh bạc. Một vụ xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy phải xử các bị cáo về tội danh nào mới đúng pháp luật, đó là điều mà các thẩm phán và bạn đọc quan tâm đề nghị làm rõ.
Công an tỉnh Cao Bằng kiểm tra tang vật vụ án. Ảnh: (nguồn: báo caobangtv)

Công an tỉnh Cao Bằng kiểm tra tang vật vụ án. Ảnh: (nguồn: báo caobangtv)

Cùng một hành vi có tính chất như nhau, định hai tội danh khác nhau
 
Vụ thứ nhất xảy ra vào năm 2011. Tháng 11/2011, Nguyễn Hữu Châu rủ Nguyễn Hữu Thủy, Trịnh Tứ Điện và Phạm Văn Hòa (thường trú ở Thanh Hóa) cùng lên Hội chợ thương mại Cao Bằng để tổ chức trò chơi quay số trúng thưởng – kiểu quay chiếc nón kỳ diệu. Tại Hội chợ thương mại với bộ đồ nghề gồm một bàn quay số có đặc điểm mô phỏng hình chiếc nón kỳ diệu, dưới gầm bàn quay số, bên trong các thanh gỗ của bàn quay có lắp các thiết bị gồm bảng mạch điện tử, mô tơ điện và các thiết bị bánh quay, công tắc… Mọi công việc do Châu phân công, chỉ đạo. Điện là người trực tiếp quay nón, trực tiếp thu tiền đặt cửa của người chơi thua và trả tiền cho người chơi thắng. Thủy và Hòa làm cò mồi, tức là đứng xung quanh nón, giả làm người chơi và đặt tiền vào các cửa không có người đặt ở trên nón, đồng thời có lời nói nhằm kích động lôi kéo người đi hội chợ tham dự trò chơi. Thỉnh thoảng Châu cũng tham gia đặt cửa giả làm người chơi nhưng công việc chính là ở xa điều khiển chíp điện tử. Cuối mỗi buổi quay số, Điện, Thuỷ và Hoà phải nộp lại toàn bộ số tiền thu được cho Châu.
 
Khi chúng đang tổ chức trò chơi thì bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng phát hiện bắt quả tang và thu giữ toàn bộ tang vật cùng 75.600.000 đồng tiền bất chính thu được từ trò chơi. Các đối tượng này khai nhận có gắn chíp điện tử điều khiển từ xa để người chơi không bao giờ thắng, chỉ những người giả làm người chơi mới quay trúng ô được tiền, chính vì vậy mới thu được khoản tiền lớn kể trên.
 
Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh Cao Bằng đã khởi tố 4 bị can này về tội “Tổ chức đánh bạc” theo điểm b, khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự. Tại bản cáo trạng số 05/KSĐT-TA ngày 15/02/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng đã tiếp tục truy tố 4 đối tượng trên với tội danh đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố trước đó.
 
Tháng 3 năm 2012 Toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã đưa vụ án ra xét xử. Hội đồng xét xử đã chấp nhận quan điểm truy tố của Viện kiểm sát và tuyên bố các bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” theo điểm b khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu Châu 36 tháng tù; bị cáo Nguyễn Hữu Thuỷ 18 tháng tù; bị cáo Trịnh Tứ Điện 18 tháng tù, bị cáo Phạm Văn Hoà 12 tháng tù nhưng cho cả 4 bị cáo cùng được hưởng án treo.
 
Vụ việc thứ 2 diễn ra như sau: Ngày 05/12/2012, sau khi nhận được tin báo của nhân dân, Tổ công tác của phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng đã ập đến sân vận động, nơi đang tổ chức Hội chợ thương mại và du lịch, bắt quả tang 32 đối tượng đang có hành vi quay nón và dùng điều khiển từ xa điều chỉnh vòng quay chiếc nón dừng theo ý muốn của người điều khiển để chiếm đoạt tài sản của người tham gia chơi. Vật chứng thu được gồm 3 chiếc nón quay và khung gỗ đặt nón vào quay, trên bề mặt nón được chia ra làm nhiều ô, bên trong 3 khung gỗ đặt nón quay này có lắp sẵn 1 thiết bị điện tử (chíp điện tử) hoạt động bằng pin và có thể dùng điều khiển từ xa điều khiển thiết bị này hoạt động để điều chỉnh vòng quay của chiếc nón theo ý muốn. Đồng thời thu được một số lượng tiền mặt cùng nhiều tài sản giá trị mà các đối tượng đã chiếm đoạt được của người chơi gần 240 triệu đồng.
 
 
Bị cáo Trần Xuân Thanh tại phiên tòa.
Bị cáo Trần Xuân Thanh tại phiên tòa.

 

Tại Cơ quan điều tra, Trần Xuân Thanh (hộ khẩu thường trú ở Thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã khai nhận: Vào cuối tháng 11/2012, biết Công ty thương mại Trường Chinh (địa chỉ tại Bắc Giang) chuẩn bị tổ chức hội chợ thương mại tại địa bàn tỉnh Cao Bằng. Thanh đã trực tiếp liên hệ và ký hợp đồng với Công ty này, mua lại việc bán vé vào cổng hội chợ và tổ chức trò chơi dân gian tại khu đất trống trong hội chợ thương mại với số tiền là 100.000.000 đồng. Khi ký hợp đồng, Thanh đã cam kết là chỉ tổ chức các trò chơi dân gian. Thế nhưng sau đó Thanh đã nảy sinh ý định về việc tổ chức làm “Chiếc nón kỳ diệu” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thanh đã rủ rê và lôi kéo thêm 31 đối tượng khác ở Thanh Hóa và một số đối tượng có hộ khẩu thưởng trú ở Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Hải Phòng… lập thành 5 nhóm phụ trách 5 đầu nón, thực hiện các hành vi quay nón, cò mồi, dụ khách, cầm điều khiển chỉnh con chíp điện tử. Trong 5 ngày từ ngày 30/11/2012 đến 05/12/2012, chiếm đoạt được của 40 người chơi gần 240 triệu đồng.
 
Tại bản Cáo trạng số 17/KSĐT-KT ngày 26/6/2013 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng đã truy tố 32 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ luật hình sự, trong đó Thanh với vai trò chủ mưu, cầm đầu bị truy tố theo điểm a khoản 3 của Điều 139, các đối tượng còn lại lần lượt bị truy tố theo khoản 1 và khoản 2 của Điều 139 Bộ luật hình sự. Sau 5 ngày xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ra bản án hình sự sơ thẩm số 20/2013/HSST ngày 09/9/2013 tuyên bố 32 bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đều bị áp dụng hình phạt tù trong đó bị cáo Thanh bị xử phạt với mức là 9 năm tù.
 
Như vậy, ở hai vụ án trên, hành vi phạm tội của các bị cáo đều có tính chất như nhau: sử dụng con chíp điện tử điều khiển từ xa để lừa quay số trúng thưởng chiếm đoạt tài sản của người chơi. Thế nhưng các bị cáo trong hai vụ án lại được TAND Cao Bằng xử lý về hai tội danh khác nhau. Điều này gây những hiểu lầm, nghi ngờ trong dư luận đối với các vị quan Tòa. Vì rõ ràng, nếu xử các bị cáo tội đánh bạc thì mức hình phạt sẽ nhẹ hơn tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
Xử tội nào mới chính xác?
 
Kinh nghiệm xét xử của các Tòa án cho thấy, hành vi tổ chức quay số trúng thưởng trái phép ăn tiền thông thường sẽ bị xử lý về tội tổ chức đánh bạc. Tuy nhiên khi có thêm yếu tố gắn chíp điện tử điều khiển từ xa để lừa đảo tiền của người chơi thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn thường lúng túng trong cách giải quyết, không biết nên xử lý về tội tổ chức đánh bạc hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì mới chính xác. Bộ luật hình sự đã có quy định về hai tội này ở Điều 249 (tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc) và Điều 139 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) thế nhưng vẫn chưa thật sự rõ ràng và rành mạch dễ dẫn đến các quan tòa lách luật, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
 
Bị cáo Trần Xuân Thanh và đồng bọn tại phiên tòa

 

Phóng viên TC Pháp lý đã trao đổi với GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa (Trường Đại học Luật Hà Nội) về vấn đề này. Bộ luật hình sự quy định các tội phạm về đánh bạc phải có tính chất được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị, tức là mang tính sát phạt, bóc lột nhau hoàn toàn dựa trên yếu tố may rủi, không có sự sắp xếp, gian dối, lừa đảo trong quá trình tham gia chơi của các bên.
 
Còn những hành vi dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật và chiếm đoạt tài sản của người đó thì phải xác định là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những hình thức đánh bạc như xóc đĩa, đỏ đen, tổ tôm, tam cúc, chẵn lẻ, số đề, cá cược, chơi bài…đã không còn lạ lẫm đối với mọi người. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện các hình thức đánh bạc biến tướng thông qua các trò chơi điện tử, các máy chơi games bằng xèng và đặc biệt phổ biến là các trò chơi quay số trúng thưởng tại các hội chợ. Có 2 trường hợp xảy ra: Nếu các trò chơi này được thực hiện bằng những máy móc không có hỗ trợ con chip điện tử điều khiển từ xa mà chúng hoạt động hoàn toàn mang tính khách quan, may rủi (tức là không có yếu tố gian dối) thì xử lý những người tổ chức trò chơi về tội tổ chức đánh bạc và những người tham gia trò chơi về tội đánh bạc là điều tất yếu. Trường hợp thứ hai, nếu các trò chơi quay số trúng thưởng được gắn chip điều khiển từ xa (có yếu tố gian dối), thì phải xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới là chính xác.
 
Tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý những hành vi gắn chíp điện tử lừa quay số trúng thưởng đó về tội tổ chức đánh bạc (như vụ thứ nhất – bản án hình sự sơ thẩm số 07/2012/HSST ngày 27/3/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã trình bày ở trên). Điều đó vừa không chính xác về tội danh, vừa kéo theo một bất cập là: Một vụ án, có hành vi tổ chức đánh bạc thì phải có những người tham gia đánh bạc, khi đó cả 2 bên đều phải bị xử lý: bên tổ chức trò chơi quay số trúng thưởng bị xử lý về tội tổ chức đánh bạc và những người tham gia trò chơi đó phải bị xử lý về tội đánh bạc. Như vậy mới đúng về lý luận, đúng về quy định của pháp luật, thế nhưng lại không đúng, không thỏa đáng về thực tế đối với những người tham gia trò chơi đó, vì thực chất chính họ đã bị lừa đảo.
 
Nếu xử lý đúng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì những người tham gia trò chơi quay số trúng thưởng đó lại ở vai trò nạn nhân (người bị lừa đảo). Như vậy là vừa chính xác về tội danh theo quy định của Bộ luật hình sự (cũng là thỏa đáng với thực tế khách quan), vừa đảm bảo không có bất cập về việc xác định đúng các vai trò của người tham gia tố tụng.
 
Trở lại hai vụ án của tỉnh Cao Bằng đã nêu ở trên, mặc dù hành vi phạm tội của các bị cáo ở hai vụ án là cùng tính chất và đặc điểm như nhau, nhưng lại bị xét xử về hai tội danh khác nhau, ta thấy mâu thuẫn với lý luận khoa học luật hình sự nói chung, trái với quy định của Bộ luật hình sự về các tội đánh bạc nói riêng. Cả hai vụ án này cùng phải được xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như vụ thứ hai tại bản án hình sự sơ thẩm số 20/2013/HSST ngày 09/9/2013 mới là chính xác.
 
Lý do vì sao ở vụ án thứ nhất lại xử lý về tội tổ chức đánh bạc? Bà H.T.V (thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng) cho biết: “Những trường hợp tổ chức trò chơi quay số trúng thưởng mà có gắn chíp điện tử điều khiển từ xa nhằm lừa gạt chiếm đoạt tiền của người chơi, phải xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt mới là chính xác. Tuy nhiên trong vụ án do Nguyễn Hữu Châu cầm đầu (vụ thứ nhất – bản án hình sự sơ thẩm số 07/2012/HSST ngày 27/3/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng), do Cơ quan cảnh sát điều tra không thu giữ được con chíp điện tử, mặc dù các bị cáo có khai nhận về việc sử dụng con chíp để điều khiển vòng quay theo ý muốn nhưng chỉ căn cứ vào những lời khai này thì chưa đảm bảo tính đầy đủ. Do đó, buộc phải xử lý những đối tượng này về tội Tổ chức đánh bạc”.
 
Tuy nhiên, theo chúng tôi, không thể đổ lỗi cho sự yếu kém trong việc điều tra, xác minh, tìm kiếm chứng cứ của Cơ quan tiến hành tố tụng mà có thể làm thay đổi bản chất của sự thật, làm thay đổi tội danh. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần có trách nhiệm làm rõ sự thật của vụ án, có như vậy mới đảm bảo nguyên tắc xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm theo quy định của Pháp luật hình sự.
 

Nguồn tin: phaply.net.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Chu nhiem

LAWYER TODAY TV

  • Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội làm việc với UBND thành phố Hà Nội
  • Hợp tác Pháp Việt
anh2
Vinhomes Phạm Hùng

Xem nhiều nhất







vinhomes central park

biet thu vinpearl

vinhomes bason

thue may han

sua may han

sua may han gia re

sua may han mig

may han

sua may han

may han hong ky

© LUATSUNGAYNAY.VN

Số giấy phép: 961/GP - TTĐT cấp ngày 3/4/2013
Trưởng ban Biên tập: Nhà báo Thanh Bình
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Trụ sở: Tầng 19, Tòa nhà Văn Phòng, số 713 đường Lạc Long Quân, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội
Điện thoại: (+84)966376688 / Email:toasoanlsnn.vn@gmail.com
Sử dụng nội dung trên Luật sư ngày nay phải ghi rõ nguồn luatsungaynay.vn.
 NukeViet is registered trademark of VINADES.,JSC