MỘT QUYẾT ĐOÁN TÁO BẠO, KHÓ KHĂN CỦA ĐẠI TƯỚNG

Với tư tưởng chỉ đạo của Trung ương và kinh nghiệm dày dạn, sự nhạy bén của một Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy rõ “phương án đánh nhanh thắng nhanh là quá mạo hiểm” và tự xác định trách nhiệm phải thay đổi cách đánh, thay đổi phương châm chỉ đạo tác chiến của chiến dịch Điện Biên Phủ.
MỘT QUYẾT ĐOÁN TÁO BẠO, KHÓ KHĂN CỦA ĐẠI TƯỚNG
Tuy nhiên, khó khăn lớn của Đại tướng là toàn thể Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch và Cố vấn Trung Quốc lại nhất trí với chủ trương đánh nhanh. Đây là trường hợp chân lý không thuộc về số đông và tình trạng cô đơn của một trí tuệ lớn sắc sảo hơn người. Hơn nữa đây lại là chiến tranh, Tổng tư lệnh có thể ra lệnh và dĩ nhiên toàn quân phải phục tùng. Nhưng nhận thức không thống nhất thì ý chí sẽ bị phân tán, không thể phát huy hết tinh thần chiến đấu của quân đội, không thể thực hiện sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong đó con người giữ vai trò quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giao nhiệm vụ “phải chắc thắng mới đánh” cũng đề ra yêu cầu phải giữ gìn sự thống nhất trong chỉ huy: “Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn, cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Phải làm sao chuyển hóa được nhận thức đó, phải có thời gian và thực tế để chứng minh phương án đánh nhanh thắng nhanh là mạo hiểm, không chắc thắng và có thể dẫn đến tổn thất lớn, thậm chí thất bại, để từ đó nhất trí thay đổi cách đánh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện được chuyển biến đó một cách tài tình.

Trước hết, Đại tướng phải tạm thời chấp nhận phương án đã thống nhất trong Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch và cố vấn Trung Quốc. Ngày 14-1, ông triệu tập hội nghị cán bộ, phổ biến mệnh lệnh chiến đấu và dự kiến trận đánh sẽ diễn ra trong 2 ngày 3 đêm, giờ nổ súng là 17 giờ ngày 20-1-1954. Công việc chuẩn bị được triển khai rất khẩn trương trong tinh thần quyết tâm rất cao của quân đội. Đồng thời ông chỉ thị cho cơ quan tham mưu theo dõi chặt chẽ tình hình địch và phân công các thành viên Bộ chỉ huy đi kiểm tra đôn đốc các đơn vị triển khai công việc chuẩn bị, nhất là việc kéo pháo vào trận địa.

Theo báo cáo của Cục Quân báo, binh lực của địch đã được tăng cường thêm 1 tiểu đoàn, thêm nhiều xe tăng, pháo 105, 155 ly, các cứ điểm đang được xây dựng kiên cố, các công sự có hàng rào dây thép gai, bãi mìn dày… Rõ ràng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hình thành. Trong lúc đó thì công việc kéo pháo bằng tay của ta gặp nhiều khó khăn vì địa hình nhiều dốc cao, vực thẳm, lại bị máy bay và pháo địch luôn luôn bắn phá cản đường, trung bình mỗi giờ chỉ di chuyển được khoảng 150-200 m. Bộ Chỉ huy huy động hai đại đoàn làm nhiệm vụ mở đường kéo pháo, dự kiến hoàn thành trong 3 đêm. Thế mà sau 7 đêm, đến ngày 19-1, pháo vẫn chưa vào vị trí. Thời gian nổ súng phải lùi lại 5 ngày tức hoãn đến ngày 25-1-1954.

Tình hình đang chuyển biến nhanh chóng như vậy theo hướng bất lợi cho ta, cơ hội đánh địch trong phòng ngự lâm thời không còn nữa. Thế mà trong khí thế chung, không ai dám nhìn vào sự thật, không dám báo cáo đầy đủ những khó khăn của ta. Trong hồi ký của mình, Đại tướng đặc biệt biểu dương Cục phó Cục bảo vệ Phạm Kiệt được cử đi kiểm tra việc kéo pháo phía tây, là người đầu tiên và duy nhất dám báo cáo thực trạng của việc kéo pháo, một số chưa vào trận địa và trận địa pháo dã chiến rất dễ bị phản pháo hay máy bay đánh phá. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn cũng báo cáo là các công sự của địch đã được tăng cường nên đơn vị rất khó đột phá qua ba phòng tuyến để vào tung thâm như được phân công. Đến ngày 23-1 Đại tướng mới nhận được những báo cáo trung thực như vậy và càng khẳng định không thể chấp nhận một trận đánh mạo hiểm như vậy. Ngày 24-1 một chiến sĩ của ta bị bắt và phát hiện địch đã nắm được giờ nổ súng của ta[1] nên Đại tướng quyết định lui giờ nổ súng lại 24 giờ tức 17 giờ ngày 26-1.

Kể từ ngày 14-1, sau 11 ngày đêm suy tính, cân nhắc mọi mặt, nhất là đêm 25-1 không thể nào chợp mắt được, Đại tướng đi đến một quyết đoán táo bạo là phải kiên quyết thay đổi ngay cách đánh, phải chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Từ đầu, đánh sớm và đánh nhanh cũng chưa chắc đã giành được thắng lợi, cuối năm 1952 với “con nhím Nà Sản” một trung đoàn của ta đánh một tiểu đoàn địch phòng ngự trong công sự mà không thắng. Nay trong lúc ta chưa kịp kéo pháo vào trận địa thì Điện Biên Phủ đã được tăng cường binh lực và đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiến cố và dĩ nhiên “con nhím Điện Biên Phủ “ lớn mạnh hơn “con nhím Nà Sản” nhiều lần. Phương án đánh nhanh cũng chưa lường hết những khó khăn trong chuẩn bị trận địa, trong kinh nghiệm đánh công kiến, trong hiệp đồng binh chủng bộ binh và pháo binh. Quyết đoán của Đại tướng là đúng đắn, táo bạo và kip thời. Vấn đề là làm sao để thực hiện được quyết đoán đó trên cơ sở tranh thủ được sự đồng tình của cố vấn Trung Quốc và thuyết phục được Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch.

Mờ sáng ngày 26-1, Đại tướng cùng Hoàng Minh Phương gặp Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc. Trong hồi ký của hai người đã ghi lại cụ thể nội dung của buổi gặp và trao đổi này. Đại tướng phân tích sự phát triển và thay đổi của tình địch và những khó khăn của quân đội ta, khẳng định “nếu đánh là thất bại”. Trên cơ sở đó, Đại tướng đề nghị ra lệnh hoãn cuộc tiến công chiều nay và chẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Sau một lúc suy nghĩ, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc đã đồng ý với đề xuất mới của Đại tướng và cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong khoảng nửa giờ. Tôi đã có dịp nghiên cứu những tư liệu mới công bố của Trung Quốc, nhất là ghi chép và hồi ký của cố vấn Trung Quốc để lý giải về những nguyên do dẫn đến sự thay đổi trong chủ trương của cố vấn Trung Quốc và thái độ tán đồng nhanh chóng của Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh trước đề xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Về nguyên tắc, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc phải báo cáo về Quân ủy trung ương mọi diễn biến của tình hình và xin ý kiến chỉ đạo trước khi làm việc chính thức với Bộ chỉ huy chiến dịch của Việt Nam. Qua quan sát thực tế, từ ngày 21-1 Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh cũng đã nhận ra những khó khăn trong chuẩn bị đánh nhanh, nhất là việc chuyển pháo vào trận địa và tình hình địch tăng cường phòng ngự ở Điện Biên Phủ. Trong điện trả lời, Quân ủy trung ương Trung Quốc đã nêu lên cách đánh mới “phải sử dụng biện pháp bao vây chia cắt, tiêu diệt địch từng phần từng phần một”[2]. Ngày 24-1, Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh lại điện về Quân ủy trung ương về những khó khăn chưa thể khắc phục được trước khi bắt đầu chiến dịch và xin ý kiến. Ba ngày sau, ngày 27-1 Quân ủy trung ương mới trả lời là cần phải “đánh bóc võ”, phải bao vây chia cắt, tiêu diệt từng phần một. Như thế là cả Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh và Quân ủy trung ương Trung Quốc từ thực tế chiến trường cũng đã nhận thấy phải thay đổi cách đánh từ đánh nhanh sang đánh bao vây tiêu diệt từng bộ phận. Vì vậy sáng 26-1, tuy chưa nhận được điện trả lời của Quân ủy trung ương, nhưng trong tình thế cấp bách, Trưởng đoàn Vi đã đồng tình và chấp nhận chủ trương mới của Đại tướng. Đấy là một thuận lợi lớn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không cần phải phân tích, biện luận nhiều mà sớm nhận được sự đồng tình của Đoàn cố vấn Trung Quốc.

Ngay sau đó, Đại tướng triệu tập Đảng ủy mặt trận để thảo luận về chủ trương thay đổi phương án tác chiến. Cuộc thảo luận diễn ra không đơn giản, lúc đầu mọi người im lặng trong băn khoăn. Sau đó lần lượt phát biểu, mỗi người mỗi ý nhưng đều muốn quyết tâm đánh vì toàn quân đã ở tư thế sẵn sàng, không muốn lui quân, kéo pháo ra, chuẩn bị lại từ đầu theo phương châm mới. Cuộc họp phải dừng lại một lúc. Khi tiếp tục, Đại tướng đặt vấn đề yêu cầu cao nhất là đánh phải chắc thắng, vậy nếu đánh như cũ có chắc thắng trăm phần trăm không? Từ câu hỏi đó, mọi người mới tỉnh táo nhận ra còn nhiều khó khăn chưa thể khắc phục được và đi đến nhất trí với chủ trương mới, thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Mãi đến trưa ngày 26-1, sau khi tạo nên sự nhất trí với Cố vấn trung Quốc và Đảng ủy mặt trận, Đại tướng ra lệnh hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra.

Công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tổ chức lại theo phương châm chỉ đạo tác chiến mới gặp không ít khó khăn nhưng bảo đảm cho thắng lợi của một trận quyết chiến chiến lược. Sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm và mưu trí với biết bao hi sinh, mất mát, ngày 7-5-1954 toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với 21 tiểu đoàn phòng ngự trong một hệ thống của những trung tâm đề kháng và cứ điểm có công sự kiên cố được coi là mạnh nhất Đông Dương đã bị tiêu diệt.

Trong chỉ đạo chiến dịch, sự thay đổi phương châm chỉ đạo tác chiến là một nhân tố quyết định. Lịch sử không nghiên cứu theo các giả thuyết, nhưng thử giả định nếu thực hiện chủ trương đánh nhanh dẫn đến thất bại thì hậu quả sẽ như thế nào khi những đại đoàn chủ lực tinh nhuệ nhất tập trung về đây bị tiêu diệt, những cố gắng chiến tranh cao nhất của toàn quân, toàn dân bị sụp đổ và cuộc kháng chiến gần như trở về khởi điểm, phải làm lại từ đầu. Từ năm 1983 nhà sử học Pháp George Boudarel đã từng tham gia cuộc kháng chiến, đã nhận thấy hậu quả vô cùng nguy hiểm của phương chấm đánh nhanh với bài báo “Tướng Giáp suýt thất bại ở Điện Biên Phủ”. Thay đổi phương châm đó là một quyết đoán táo bạo, kịp thời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là người đã thấy ngay tính mạo hiểm, hậu quả nguy hại của lối đánh nhanh ngay từ đầu và kiên trì chủ trương phải đánh chắc thắng. Điều quan trọng nhất là bằng tất cả tài năng của mình, ông đã làm chuyển biến từ chủ trương đánh nhanh được sự nhất trí của Đảng úy mặt trận và các cố vấn Trung Quốc sang chủ trương đúng đắn của ông. Đây không phải là sự thay đổi áp đặt từ trên xuống bằng mệnh lệnh, cũng không phải là sự tranh cãi trên lý lẽ mà là sự kiên nhẫn chờ đợi để hội đủ các căn cứ thực tế đủ sức thuyết phục mọi người, tạo nên sự thay đổi về nhận thức, một sự nhất trí tự nguyện trên một chủ trương mới. Đấy là một quyết đoán táo bạo, kịp thời, đúng lúc, biểu thị tài thao lược kiệt xuất, bản lĩnh và năng lực tổ chức tuyệt vời của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

 

Tác giả bài viết: GS.NGND. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Nguồn tin: thương hiệu và công luận